Mai vàng là linh hồn của ngày tết Việt, thấy hoa mai là thấy tết. Để có cây mai đẹp chưng trong nhà vào ngày tết, ngoài việc chăm sóc để cây mai nở hoa đúng tết, mọi người còn đặc biệt quan tâm đến dáng, thế của cây mai.
Vậy mọi người đã biết cách uốn mai vàng vàng chưa, cùng Nông nghiệp phố tìm hiểu ngay bài viết sau đây nhé.
1. Tại sao phải uốn dáng, tạo các thế mai đẹp
Giá trị của mỗi loài cây không chỉ được đánh giá qua sắc hoa mà còn còn được gửi gắm, truyền tải thông qua hình dáng của cây.
Các thế mai vàng đẹp sẽ gửi gắm vào đó những ý nghĩa mà người chơi hoa mong muốn. Mỗi dáng, mỗi thế sẽ có nét đẹp và ý nghĩa khác nhau, tùy vào sở thích người chơi mà cây mai sẽ được uốn theo nhiều dáng khác nhau.
>> Có thể bạn quan tâm đến bài viết: Tổng hợp các cây mai vàng đẹp nhất việt nam
2. Các thế mai đẹp
Thế mai thông dụng và dễ dàng nhất có lẽ là dáng theo tàn thông, tam giác, nón lá. Thế này khá đẹp, thông dụng và cây phát triển tốt vì các tầng đều hứng đủ ánh sáng mặt trời.
Dáng long là dáng cổ truyền phổ biến nhất dùng để tạo dáng cho cây mai vàng. Khi tạo dáng long, quan trọng nhất là phần rễ và gốc của cây sao cho to, kỳ quái để giống đầu con rồng. Phần rễ nên được tạo rễ nổi hẳn lên mặt đất như râu rồng.
Do xu hướng chơi các cây cỡ nhỏ, nên các dòng cây bonsai ồ ạt ra đời và rất được ưa chuộng. Bắt kịp xu hướng, cây mai vàng cũng được cắt làm bonsai, uốn dáng bay bổng.
Trong tất cả các dáng thế cây mai, có lẽ dáng thác đổ, dáng huyền và dáng bay có giá trị cao nhất về nghệ thuật. Các cây mai vàng tạo các dáng này đều rất độc đáo, hiếm thấy và giá trị rất cao.
3. Thời điểm uốn cây mai vàng
Thời điểm thích hợp để uốn cây mai vàng vào khoảng cuối hạ hoặc cuối tháng 7 âm lịch. Vì thời gian này, cây mai phát triển mạnh, thường cho ra chồi mới.
Đối với những cây rụng lá sớm, có khả năng chảy nhựa nhiều thì bạn không nên uốn cây vào đầu hay giữa mùa xuân, trước khi cây rụng lá và mọc chồi non.
>> Mời bạn tham khảo thêm bài viết:Tổng hợp các hinh mai vang dep xuân Qúy Mão 2023
4. Những việc cần làm trước khi uốn cây mai vàng
Trước khi bắt đầu tạo dáng cho cây mai vàng, bạn nên chú ý cắt tỉa những cành nhánh song song, tỏa đều, gối lên nhau, uốn về sau, chéo trước, cành rũ…
Song song đó, khi uốn cành, bạn cần cắt tỉa bớt lá hoặc những cành quá sát vào nhau để thuận tiện cho việc uốn cành hơn.
Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị dây uốn cành, một số loại dây uốn cành thường được sử dụng như dây kẽm, chì, đồng, dây có vải quấn quanh.
Dây có vải quấn quanh có thể bảo vệ được cây, tránh nhiệt độ từ ánh nắng mặt trời làm bỏng cây. Tuy nhiên, nhược điểm của loại này là dễ gây nấm mốc ở những vùng mưa nhiều.
Dây đồng hoặc dây chì là loại dễ làm, có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, bạn cần phải tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời để bảo vệ cây khỏi bị bỏng. Bạn không nên sử dụng dây sắt vì chúng dễ bị gỉ sét, in hình lên thân cây không đẹp.
5. Cách uốn cây mai vàng
a. Cách tạo dáng gốc mai
Gốc mai là một phần cực kỳ quan trọng trong bất kì dáng, thế nào của cây mai, vì khi nhìn vào cây mai người ta sẽ chú ý ngay đến gốc mai đầu tiên.
Nếu bạn muốn có một gốc mai vàng đẹp thì phải sửa ngay từ lúc cây còn nhỏ. Tùy theo dáng cây mà bạn muốn, bạn có thể sửa gốc theo thế đứng, thế nghiêng, thế nằm…
Bạn tạo dáng cho gốc mai bằng cách cắt gọt, đục đẽo cho lồi lõm, làm lão hóa, tăng thêm giá trị của cây mai.
Nếu đó là mai già thì bạn phải moi rễ lên, căng kéo, sắp xếp lại và hoàn toàn nằm trên miệng chậu mới đẹp.
Mai cổ có nhiều cây có bộ rễ kỳ lạ, uốn thành hình chân thú Long, Lân, Quy, Phụng trông rất đẹp mắt, hoặc nhiều gốc mai hóa long, hóa hổ vô cùng quý giá.
b. Uốn thân, cành cây mai vàng
Thứ tự uốn cây mai vàng là uốn thân trước rồi sau đó đến cành chính, tiếp theo là những cành quanh thân tính từ gốc lên đến ngọn cây. Uốn cành lớn trước, cành nhỏ sau.
Để uốn thân, dùng khung sắt đã uốn sẵn, cặp ôm sát vào thân cây, rồi dùng dây kẽm buộc từ từ từng mối, từ gốc cây trở lên siết chặt, ép cho thân cây ôm lấy khung sắt. Lâu ngày, thân sẽ cong theo dáng của khung sắt.
Đối với thân nhỏ, chỉ cần lấy dây kẽm đủ to, quấn dọc theo thân, rồi uốn vặn theo chiều xoắn ốc, rồi dùng dây kẽm giữ lại theo dáng mong muốn. Bạn phải uốn từ từ, mỗi ngày một chút, lâu ngày sẽ đúng theo dáng bạn muốn.
Tiếp theo là uốn cành bằng cách cắt tỉa hoặc quấn dây. Cách cắt tỉa rất khó và mất thời gian.
Khi uốn cành bằng cách cắt tỉa, bạn muốn cho nhánh xoay về hướng nào thì cắt đọt ở nách lá về hướng đó, ngay nách lá đó sẽ mọc một chồi non xoay về hướng bạn muốn.
Uốn cành bằng cách quấn dây đồng, dây kẽm thì bạn chỉ cần một sợi dây kẽm đủ lớn, dài gấp đôi nhánh cây để quấn. Quấn dọc theo nhánh muốn uốn, theo chiều kim đồng hồ cho đồng nhất.
Ưu điểm của uốn cành bằng cánh quấn dây là nhanh và có thể uốn kéo một nhánh từ bên này qua bên kia thân cây. Tuy nhiên, cách này sẽ có dấu dây kẽm ăn khuyết vào nhánh uốn, không đẹp bằng phương pháp cắt tỉa.
Thời gian thích hợp để tháo dây kẽm thường là 3 đến 4 tháng đối với cây mai nhỏ, đối với những cây lớn thường là 1 năm. Và bạn cũng có thể uốn cành lại lần hai nếu cây trở lại hình dáng ban đầu.
c. Tỉa lá tạo dáng cho cây mai
Tỉa lá cũng là một bước khá quan trọng trong việc uốn cây mai vàng, tỉa lá hợp lý sẽ làm cây thông thoáng, nổi rõ, tôn lên nét đẹp của dáng, thế cây mai.
Tỉa lá, cắt bỏ các lá vàng xấu, lá dư thừa, các đọt non mới mọc ra dài quá, che khuất cả mặt chính của cây.
d. Làm lão hóa
Sau khi đã cắt tỉa xong, bạn có thể tăng giá trị của cây mai bằng cách làm lão hóa, bạn có thể dùng dụng cụ đục khoét và chất hóa học để làm lão hóa cây nhanh hơn.
Muốn thân cây xù xì, bạn đập vào thân cây cho bầm dập, hoặc dùng kim châm thật mạnh, đều chung quanh thân cây, nhưng phải chừa một đường rãnh nhỏ trên vỏ để cây có thể dẫn nhựa lên nuôi cây. Cây sẽ nứt da thành sẹo. Bôi thuốc vào, khi cây lành sẽ thấy phù lên, sần sùi có vẻ già nua.
Cách uốn, tạo thế cho cây mai vàng không hề đơn giản, chỉ dành cho người chơi mai vô cùng khéo léo, nhiệt huyết và yêu hoa. Thế nhưng, dáng mai đẹp sẽ đem giá trị rất cao, vì vậy nếu bạn yêu hoa mai, học ngay cách uốn cây mai vàng nhé.